ABBANK: 14,500 ■    CADIVI: 21,900 ■    Cagipharm: 9,000 ■    COTECCONS: 115,000 ■    DONGA BANK: 22,500 ■    DUCLONG GIA LAI GROUP: 29,000 ■    FPTS: 14,900 ■    HABUBANK: 14,500 ■    HANEXIM: 273,000 ■    MEKOPHAR: 74,500 ■    Military Bank: 28,400 ■    MSB: 21,900 ■    NJC CORP: 15,000 ■    NNC: 106,000 ■    NOSCO: 16,000 ■    ORICOMBANK: 12,900 ■    PV GAS D JSC: 69,600 ■    QCGL: 57,900 ■    SABECO: 56,100 ■    SACOMREAL: 23,300 ■    SOUTHERN BANK: 16,300 ■    TAH: 10,600 ■    TANBINHRES: 37,300 ■    TANIMEX: 76,500 ■    TECHCOMBANK: 32,300 ■    TVSC: 10,400 ■    VIBank: 24,500 ■    Viet A bank: 11,200 ■    Vĩnh Hảo: 22,700 ■    VPBANK: 18,400 ■    WSS: 16,500 ■    

Niềm tin là nền tảng của thị trường

Một câu hỏi căn bản trong Đạo Đức Học là: “Tại sao loài người thường khuyên bảo nhau nên sống lương thiện, tử tế?”. Phải đặt câu hỏi này, vì chúng ta biết có hai động lực chính trong cuộc sống của các sinh vật là bản năng sinh tồn và truyền thụ giòng giống. Các vật sống, từ những tế bào đến con thú, con người đều lo bảo vệ mạng sống của mình và tìm cách bảo đảm hạt giống di truyền sang các thế hệ sau, cả hai đều ích kỷ. Vậy tại sao loài người lại đặt ra những quy tắc đạo đức? Tại sao không ai dậy con phải ăn gian nói dối, cướp của giết người mà cha mẹ thường chỉ khuyên nhủ chúng ta nên sống lương thiện, công bằng, chính trực?

Đức hạnh là chiến lược tốt nhất

Có một cách giải thích nguồn gốc của đức hạnh: Sống lương thiện là chiến lược tốt nhất trong cuộc cạnh tranh sinh tồn. Tính về lâu về dài, những người sống đức hạnh cuối cùng sẽ thắng thế trong cuộc cạnh tranh sinh tồn và bảo vệ chủng tộc. Các nhà sinh học, di truyền học, xã hội học, chính trị học, kinh tế học, vân vân, đã tìm hiểu, thí nghiệm, và thấy lối giải thích đó là đúng.

Người ta đã dùng máy vi tính cho chạy thử như trong trò chơi điện tử (video game), cho các sinh vật giả tưởng sống với nhau trong những cuộc sống cạnh tranh; cho chúng dùng các chiến lược khác nhau trong cuộc chạy đua để sinh tồn; họ thử các chiến lược từ cách sống ích kỷ, hại nhân cho đến đường lối cộng tác, vị tha. Kết quả nhiều cuộc thí nghiệm trên máy điện tử cho thấy chiến luợc “sống lương thiện” vẫn có hiệu quả nhất trong việc bảo tồn giòng giống. Dùng máy computer thí nghiệm có một lợi thế, là có thể cho máy “chơi game” qua nhiều “thế hệ” để xem kết quả sau một khoảng thời gian rất dài.

Có thể lấy một thí dụ về kinh tế. Chúng ta đều biết tập thể người Hoa ở nước ngoài có lối làm ăn lấy trung tín làm đầu, nhờ vậy mà cộng đồng của họ rất phát đạt. Hai người gốc Hoa từ 2 lục địa khác nhau khi bắt tay làm ăn chung họ lấy chữ tín làm đầu. Nói một lời là đủ, không cần phải doạ kiện nhau ra toà hoặc dọa cho đàn em cắt tai, xẻo mũi nếu làm sai hợp đồng. Cộng tác với nhau trong tín nghĩa, đó là chiến lược đưa tới thịnh vượng. Có người Hoa thương nào bị đồng hương lừa đảo trong những cuộc mua bán đó hay không? Chắc là phải có. Nhưng tính đổ đồng thì mối lợi nhờ làm ăn lương hảo rất lớn so với những mối thiệt hại nhỏ vì quá nhẹ dạ, tin người.

Các nhà nghiên cứu đạo đức học bằng computer cho biết chiến lược “sống có tín nghĩa” thành công, vì “tính về lâu về dài” thì những người sống tín nghĩa sẽ được nhiều người cộng tác với mình, giúp đỡ mình. Còn những kẻ chuyên lường gạt, dối trá thì dù có được lợi nhất thời nhưng trong dài hạn sẽ bị thiệt vì bị tẩy chay. Người ta có thể đánh lừa một người suốt đời, hoặc đánh lừa được cả đám đông trong một thời gian ngắn, nhưng không ai có thể đáng lừa mọi người trong dài hạn được.

Nền tảng của thị trường là chữ Tín

Trong đời sống kinh tế thị trường, chữ TÍN là căn bản. Mình gửi tiền vào ngân hàng vì tin sẽ không bị mất. Khi thân chủ lo mất thì họ sẽ đến ngân hàng rút tiền ra, ngân hàng sẽ bị sập vì họ nhận được tiền gửi vô là đem cho vay luôn chứ không để đó làm gì. Trên mặt tài chính, các ngân hàng làm công việc “vay ngắn” và “đầu tư dài.” Tức là họ “nợ” các trương chủ, trương chủ lúc nào đòi cũng được; còn khi họ cho vay thì cho vay dài hạn, có khi cho vay hàng mười năm mới phải trả!
Cái trò vay ngắn hạn để đem dùng vào mục tiêu dài hạn là một trò rất nhiều rủi ro! Sở dĩ các ngân hàng làm được công việc đó vì mọi người TIN rằng các trương chủ không bao giờ đến rút tiền ra cùng một lúc! Không có niềm tin đó thì hệ thống ngân hàng không thể chạy được!

Ở nước Mỹ, chính phủ liên bang lập ra Cơ quan Bảo hiểm Trương mục Ngân hàng (FDIC) để những người gửi tiền khỏi lo. Gần đây, quốc hội Mỹ đã nới rộng số tiền được bảo hiểm từ 100,000 lên 250,000 đô la cho mỗi người gửi ở mỗi ngân hàng, mục đích là bảo đảm niềm tin đó. Các ngân hàng muốn được “bảo hiểm” thì Bù lại, chính phủ có bổn phận đặt ra luật lệ ràng buộc các ngân hàng, cũng vì muốn bảo vệ công chúng. Nhiều ngân hàng đầu tư ở Mỹ không bị giám sát như các ngân hàng thương mại, vì họ không nhận

Ngân hàng cho mình vay, gọi là “tín dụng,” tiếng Anh “credit” gốc từ chữ La tinh credere cũng có nghĩa là tin tưởng. Ngân hàng tin rằng luật pháp sẽ buộc người vay phải trả nợ. Nếu có những thân chủ không trả được nợ, ngân hàng phải tin rằng đó là một số nhỏ, so với số lời nhờ tất cả những người khác trả nợ. Trong mọi hoạt động kinh tế đều như vậy. Nhà sản xuất, người tiêu thụ, các giới trung gian liên lạc với nhau qua một mạng lươí của lòng tin. Một công ty sản xuất áo sơ mi phải mua vải, mua chỉ, thuê máy may và thuê người may, may xong để áo vô hộp trước khi gửi đi. Họ phải tin rằng những hợp đồng mình đã ký với nhà cung cấp vải, chỉ, hộp đựng áo, vân vân; hoặc những hợp đồng thuê muốn những công nhân làm việc may áo, đơm khuy, cắt chỉ, vân vân; tất cả các hợp đồng đó đều được mọi người tôn trọng. Nếu không có niềm tin như vậy thì kinh tế cả thế giới không thể nào chạy được.

Trong tuần qua, ông Alan Greenspan, cựu chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang, tức ngân hàng trung ương của nước Mỹ, được mời điều trần trước quốc hội về nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chánh hiện tại. Ông đã thú nhận rằng trong thời gian giữ trách nhiệm giám sát hệ thống tài chánh quốc gia có lúc ông đã lầm. Mối lầm lẫn của ông là ông đã tin rằng các ngân hàng lúc nào cũng lo bảo vệ giá trị tài sản, equity, cho các cổ đông của họ. Té ra có lúc họ đã làm ngược lại!

Nhưng đó là niềm tin chung của tất cả hệ thống kinh tế thị trường chứ không riêng gì một cựu chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ. Những ai đã mua cổ phần của các công ty, của mọi ngân hàng, đều phải sẵn niềm tin rằng những người quản đốc công ty hay ngân hàng lúc nào cũng tìm cách bảo vệ giá trị của công ty, ai cũng cố gắng làm tăng giá trị cổ phiếu. Muốn bảo đảm tác phong đó, khi thuê mướn người làm quản đốc, các công ty, các ngân hàng đều ấn định mức lương và tiền thưởng tùy thuộc vào thành quả của công việc. Cách đo lường thành quả dễ nhất là căn cứ vào giá trị cổ phần tăng nhiều hay ít. Nếu không có niềm tin như vậy thì cả hệ thống kinh tế thị trường sẽ sụp đổ!

Vậy tại sao ông Alan Greenspan lại cảm thấy mình đã tin lầm?
Bởi vì trong mấy năm qua ở Mỹ nhiều ngân hàng tiết kiệm, ngân hàng đầu tư, hãng bảo hiểm, nhiều định chế tài chánh có lịch sử hàng trăm năm rất khả kính, có lúc đã đầu tư một cách liều lĩnh vào các chứng khoán mà chính họ cũng không hiểu rõ giá trị các chứng khoán này sẽ thay đổi ra sao nếu có những biến cố bất ngờ xẩy ra. Phải nói rằng thị trường tài chánh đã “sáng chế” ra nhiều thứ “dụng cụ” mới quá, khiến cho người ta không hiểu nổi giá trị của chúng sẽ thay đổi ra sao! Những món như lai phiếu (futures) dựa trên các trái phiếu, thay đổi tùy theo lãi suất, là một thứ chứng khoán mới. Những hợp đồng bảo hiểm cho các trái phiếu, cũng thay đổi tùy theo lãi suất, là một món chứng khoán được đem mua bán trên những thị trường rất giới hạn, tiếng nhà nghề gọi là “thị trường mỏng” vì chỉ có một số ít công ty tài chánh mua bán với nhau. Đó cũng là một thứ rất khó định giá, nhiều công ty và ngân hàng dính vào, bây giờ mang họa!

Ở nước Nga thì có cảnh các đại công ty đi vay nợ để đi mua cổ phần của các công ty khác, họ không dính vào các thứ chứng khoán gọi là “nhiễm độc” như ở Mỹ. Khi vay các ngân hàng ở Anh, ở Đức, các đại tài chủ người Nga dùng cổ phần của chính công ty mình hay của các công ty mà mình mua, làm vật cầm thế. Nhưng khi thị trường chứng khoán ở Nga tụt giá 75% kể từ lúc lên cao nhất trong năm nay, thì giá trị của các “vật thế chấp” trên tụt mất ba phần tư! Đúng quy tắc vay nợ, khi vật thế chấp bị mất giá, người vay phải trả bớt nợ, hoặc là phải để cho chủ nợ lấy luôn (tịch biên) món đồ thế chấp! Mấy nhà tỷ phú Nga đã phải bỏ luôn tài sản cho chủ nợ, nhưng sau cùng chính phủ Nga bỏ ra hàng tỷ cho họ trả nợ, chính phủ thu lấy các tài sản đó vì không muốn lọt vào tay các ngân hàng Đức hoặc Anh!

Những quyết định đầu tư liều lĩnh của ban giám đốc các ngân hàng và định chế tài chánh khác trong mấy năm trước đây không những đã làm cho tài sản của các cổ đông bị tụt giảm, mà còn làm cho cả nước, cả thế giới bị liên lụy. Khi các ngân hàng thấy hàng tỷ chứng khoán khó định giá của mình nằm ứ không ai muốn mua, thì họ cũng không còn tiền rảnh để cho nhau vay, không thể cho các thân chủ vay! Hệ thống tín dụng bị kẹt, cả thế giới bị kẹt!

Tại sao lại có nhiều người cùng phạm lầm lẫn trong cùng một thời gian để bây giờ chúng ta rơi vào cơn khủng hoảng này? Đây là câu hỏi sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm câu trả lời trong thời gian tới. Vì phải biết lý do tại sao thì chúng ta mới biết cách vẽ ra những biện pháp ngăn ngừa không để xẩy ra lần khác giống như lần này. Ngăn ngừa là cần thiết, nhưng nếu ngăn ngừa kỹ quá thì sẽ trói chân trói tay các nhà kinh doanh, làm cho sáng kiến của họ bị thui chột mất! Nói chung, mọi người đã thấy phải thiết định lại hệ thống giám sát các ngân hàng và các công ty đầu tư cho có hiệu quả hơn, miễn làm sao không khiến cho cả hệ thống bị tê liệt hoặc mất sáng kiến, mất tính linh động của nó.

Hy vọng các nhà chính trị ở Mỹ và thế giới sẽ bàn nhau đặt lại một số quy luật giám sát các ngân hàng, áp dụng trong mỗi nước và trên toàn thế giới. Để tránh những tai nạn làm cho niềm tin bị đổ vỡ. Nhưng, ai biết đâu, trong 50 năm hay một thế kỷ nữa, lại có những tai nạn mới, và người ta sẽ còn phải thay đổi luật lệ một lần nữa!

Trong khi chờ đợi, chúng ta vẫn tin tưởng vào hệ thống kinh tế thị trường. Người ta biết hệ thống thị trường đòi hỏi cạnh tranh ráo riết, nhờ thế mà nó có hiệu năng cao. Nhưng cạnh tranh chỉ mà mặt nổi mà thôi. Nền tảng của cả hệ thống đó là sự cộng tác, cộng tác trong niềm tin tưởng là về lâu về dài, sau cùng những người được người khác tin tưởng sẽ là những người được lợi nhất! Ngày xưa các cụ coi thường nghề buôn bán, vì nghĩ thương gia không có căn bản đạo đức. Nhưng ngày nay chúng ta biết rằng các người kinh doanh mà thiếu đạo đức thì không thể làm ăn lâu bền được!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét